Trung Quốc tìm cách thu phục Đông Nam Á giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Chuyến công du đầu tiên trong năm nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Đông Nam Á ban đầu nhằm mục đích thể hiện ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế toàn cầu đã thay đổi mục tiêu này. Chủ tịch Tập dường như muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo trong chuyến thăm tránh đạt được các thỏa thuận gây bất lợi cho Trung Quốc với Mỹ.

Chủ tịch Tập bắt đầu chuyến thăm ba nước Việt Nam, Malaysia và Campuchia từ ngày 14. Tuần trước, chính quyền Trump đã tăng thuế đối với Trung Quốc đồng thời tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đối với một số đồng minh và quốc gia thân thiện.

Trong khi trừng phạt Trung Quốc vì các biện pháp đáp trả đối với “thuế Trump”, Mỹ dường như đang phô trương khả năng tránh tăng thuế mạnh đối với các quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc để gây sức ép buộc họ nhượng bộ.

"Chuyến công du của Chủ tịch Tập lần này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng", Giáo sư Vương Huệ Linh (chuyên ngành chính trị học Trung Quốc) tại Đại học Toronto nhấn mạnh. "Tôi hiểu đây là nỗ lực xây dựng liên minh để chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại".

Đến Hà Nội ngày 14, Chủ tịch Tập có thể sẽ nhấn mạnh rằng Trung Quốc là đối tác ổn định hơn so với Mỹ dưới thời chính quyền Trump với chính sách thuế bất ổn gây xáo trộn thị trường.

**Lựa chọn không thể ** Chuyến thăm của Chủ tịch Tập cũng làm nổi bật vị thế khó khăn của Đông Nam Á.

Kể từ khi chính quyền Trump áp thuế đối với Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, các nước Đông Nam Á đang tìm cách được miễn thuế, nhưng lại lo ngại về nguy cơ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường trong nước.

Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14, Chủ tịch Tập đã chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và khẳng định Trung Quốc và Việt Nam cần cùng nhau bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và chuỗi cung ứng ổn định.

Ông tuyên bố: "Cuộc chiến thương mại và thuế quan không có người thắng, chủ nghĩa bảo hộ không dẫn đến đâu". Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy xây dựng đường sắt quốc tế ở miền Bắc Việt Nam và hoan nghênh việc mở rộng xuất khẩu của Việt Nam cũng như hợp tác trong các công nghệ mới như 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).

Giáo sư Zachary Abuza tại Học viện Quốc phòng Mỹ ở Washington, trong cuộc phỏng vấn tại Phnom Penh, cho biết chuỗi cung ứng của Đông Nam Á phụ thuộc vào Trung Quốc và sức mạnh ngoại giao lâu dài của Trung Quốc. Ông nói: "Chủ tịch Tập đang tìm cách mở rộng cánh cửa".

Về mặt chính trị và kinh tế, các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng hết sức để tránh đứng về phía nào trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Việt Nam vẫn giữ sự nghi ngờ đối với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu thô của Trung Quốc.

Rủi ro kinh tế đối với Đông Nam Á đang ở mức cao nhất. Thuế Trump đang buộc các nước phải đưa ra quyết định gần như không thể: lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc tạm dừng thuế chỉ là "án treo", Giáo sư Abuza nói: "Các quốc gia vẫn đang ở trong phòng giam tử hình".